Ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu TN&MT

  • Chia sẻ:

Bộ TN&MT đang tập trung ưu tiên các nguồn lực cho xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) trên nền tảng số để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử của Bộ và ngành TN&MT.

 

Theo ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TNMT, với quan điểm xây dựng cơ sở dữ liệu TN&MT là một chỉnh thể thống nhất, đồng bộ tạo nền tảng vận hành, phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số TN&MT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Hoàn thiện cơ sở dữ liệu TN&MT kết nối liên thông với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương” làm cơ sở để triển khai xây dựng cơ sở TN&MT với nền tảng công nghệ hiện đại, kết nối chia sẻ trên toàn quốc.

Cùng với đó, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành TN&MT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; sẵn sàng kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia như: triển khai xây dựng CSDL quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường (theo Quyết định số 1618/QĐ-TTg ngày 24/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ); trình phê duyệt đề án ”Xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ thích ứng với biến đổi khí hậu”; …

Bộ cũng đã triển khai nhiều dự án, đề án đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ đầy đủ, chính xác đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu: hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin địa danh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hoàn thành xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam với 65 trạm định vị vệ tinh phủ kín lãnh thổ Việt Nam, cung cấp dịch vụ định vị chính xác, góp phần hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ cơ bản, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Đồng thời, xây dựng, vận hành cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) của Bộ đồng bộ, bài bản, quản lý tập trung và chia sẻ sử dụng chung phục vụ triển khai Chính phủ điện tử của Bộ. Các trung tâm dữ liệu sử dụng công nghệ ảo hóa, điện toán đám mây, cung cấp tài nguyên tính toán, xử lý chung cho các đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm các nhu cầu ứng dụng CNTT, xây dựng các cơ sở dữ liệu, hiện đã cung cấp được 16 loại dịch vụ về hạ tầng CNTT.

Đặc biệt, Bộ đang chuẩn bị triển khai kết nối cơ sở dữ liệu đất đai cấp Trung ương và cơ sở dữ liệu đất đai từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai bên cạnh phục vụ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai còn là cơ sở để cung cấp thông tin đất đai nói riêng và về TN&MT nói chung cho Trung tâm Điều hành, Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh, các sở, ngành, địa phương phát triển Chính quyền điện tử, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng cơ sở dữ liệu ngành TN&MT, thể hiện đóng góp của ngành TN&MT vào phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian tới, Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành về TN&MT trên cơ sở kiến trúc, tiêu chuẩn, quy chuẩn, dịch vụ chia sẻ dữ liệu thống nhất, bảo đảm nền tảng về dữ liệu là hạ tầng quan trọng, cốt yếu cho chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số ngành TN&MT.