Các địa phương gấp rút triển khai kiểm kê khí nhà kính

  • Chia sẻ:

6 lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính

Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, từ năm 2024, cơ sở có mức phát thải khí nhà kính 3.000 tấn Co2/năm tương đương trở lên; nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp, tòa nhà thương mại có tổng lượng tiêu thụ năng lượng 1.000 tấn dầu tương đương (TOE)/năm trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hoá có tổng tiêu thụ nhiên liệu 1.000 TOE/năm và cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động 65.000 tấn/năm trở lên phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Thực hiện chủ trương này, một số tỉnh, thành đang gấp rút triển khai.

Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg cũng quy định 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là Công Thương (công nghiệp sản xuất năng lượng, tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng, khai thác than, khai thác dầu và khí tự nhiên); Giao thông vận tải (tiêu thụ năng lượng trong vận hành, sử dụng các phương tiện giao thông vận tải); Xây dựng (tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng, các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng); Quá trình công nghiệp (sản xuất hóa chất, luyện kim, công nghiệp điện tử, sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác); Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và sử dụng đất (chăn nuôi, lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất, trồng trọt, tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, các nguồn phát thải khác trong nông nghiệp); Chất thải (gồm bãi chôn lấp rác thải rắn, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học, thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải, xử lý và xả nước thải).

Thống kê cơ sở phải thực hiện kiểm kê

Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên nước, biển, đảo, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An), giai đoạn 2023-2024, toàn tỉnh có có 29 cơ sở sản xuất, thuộc diện phải kiểm kê phát thải khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành ngày 18/11/2022.

Đây là những đơn vị có mức tiêu thụ, sử dụng năng lượng lớn. Trong đó, lĩnh vực Công Thương có 16 cơ sở, gồm: Công ty Dệt may Hoàng Thị Loan sử dụng 4.090 TOE; Công ty Cổ phần Khoáng sản Á Châu sử dụng 1.291 TOE; Công ty Cổ phần Khoáng sản Toàn Cầu sử dụng 1.314 TOE; Công ty Cổ phần Bột đá trắng Thọ Hợp sử dụng 1.707 TOE; Công ty Cổ phần Khoáng sản và Thương mại Trung Hải sử dụng 2.567 TOE; Công ty TNHH Một thành viên Nhựa Châu Âu Nghệ An sử dụng 3924 TOE; Công ty Cổ phần Tập đoàn Bao bì Sài Gòn sử dụng 1.443 TOE; Công ty TNHH Hoa Sen Nghệ An sử dụng 26.348 TOE; Công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam sử dụng 1.442 TOE; Công ty Cổ phần Sản xuất ván nhân tạo Tân Việt Trung sử dụng 1.029 TOE; Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm sử dụng 4.320 TOE; Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Nhà máy sữa Nghệ An sử dụng 1.041 TOE; Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn- Nghệ Tĩnh sử dụng 1.072 TOE; Công ty Cổ phần Á Châu Hoa Sơn sử dụng 1.376 TOE; Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Sông Lam sử dụng 1.421 TOE; Công ty TNHH Một thành viên Massan MB sử dụng 2.406 TOE.

Lĩnh vực giao thông có 8 cơ sở sử dụng/thải ra khí phát thải lớn là: Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh sử dụng 1.221 TOE; Công ty TNHH Hiệp Hòa sử dụng 1.3070 TOE; Công ty TNHH Hợp Mạnh sử dụng 1.052 TOE; Công ty TNHH Mai Linh sử dụng 1.825 TOE; Công ty TNHH Thanh Thành Đạt sử dụng 2.079 TOE; Công ty TNHH Trường An sử dụng 1.698 TOE; Công ty TNHH Vận tải dịch vụ và Thương mại Thạch Thành sử dụng 1.322 TOE; Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc chi nhánh Nghệ An sử dụng 1.510 TOE.

Lĩnh vực xây dựng có 4 cơ sở là: Nhà máy Xi măng Tân Thắng thuộc Công ty Cổ phần Xi măng Tân Thắng sử dụng 12.941 TOE; Nhà máy Xi măng Sông Lam I (Đô Lương) sử dụng 367.090 TOE; Nhà máy Xi măng Sông Lam II (Anh Sơn) sử dụng 79.343 TOE; Nhà máy Xi măng Hoàng Mai sử dụng 22.728 TOE.

Lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường có 1 cơ sở là Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (Nghi Lộc) sử dụng 182.500 TOE.

Tại Đà Nẵng, cơ quan chức năng xác định, từ ngày 1.1.2024, toàn thành phố có 23 cơ sở phải kiểm kê phát thải khí nhà kính và tần suất kiểm kê là 2 năm/lần. Trong số đó có 19 cơ sở ngành Công Thương, 3 công trình xây dựng và 1 cơ sở ngành Tài nguyên và Môi trường.

Để triển khai thực hiện, mới đây, Sở Công Thương Tp Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo về khung pháp lý, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn thành phố cách kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định Chính phủ.

Tại hội thảo, các chuyên gia hướng dẫn cho gần 100 đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về xây dựng lộ trình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cách xác định giải pháp tiềm năng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải nhà kính; thực hành tính toán phát thải khí nhà kính, cách chuẩn hóa dữ liệu đầu vào…

Thông qua hội thảo phổ biến, tuyên truyền việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời kết hợp xu thể chuyển đổi nền kinh tế xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.